Kết quả thanh tra không chỉ ảnh hưởng đến các đơn vị, cơ sở liên quan mà đến toàn ngành thủy sản Việt Nam
Nghiêm túc đảm bảo an toàn thực phẩm
Ngày 14/8/2024, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển Thị trường của Bộ NN&PTNT đã có Công văn 1548/ CCPT-GSĐG cho biết, EU chấp nhận bổ sung đối tượng, vùng nuôi thủy sản vào chương trình giám sát dư lượng năm 2024. Để đáp ứng quy định của EU, chuẩn bị tốt cho đợt thanh tra, Cục đề nghị các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản sang EU sử dụng nguyên liệu là đối tượng thủy sản nuôi được Cơ quan thẩm quyền EU chấp thuận bổ sung nêu trên. Không thu mua, chế biến và xuất khẩu vào EU với thủy sản nuôi có nguồn gốc từ cơ sở có mẫu bị phát hiện vi phạm hóa chất, kháng sinh theo các thông báo cụ thể của Chi cục Nam bộ.
Đoàn thanh tra của EU có phương pháp tiếp cận theo hướng kiểm tra, công nhận hệ thống. Kết quả thanh tra không chỉ ảnh hưởng đến các đơn vị, cơ sở liên quan mà đến toàn ngành thủy sản Việt Nam, bởi thị trường EU cùng với Mỹ thường giữ vị trí “đầu tàu” cho cả ngành thủy sản xuất khẩu quốc tế, tốt hay xấu sẽ gây hiệu ứng lan tỏa. Thị trường EU có yêu cầu cao về kiểm soát dư lượng thuốc, hóa chất, nguồn gốc sản phẩm cũng như tính bền vững; Nếu kết quả tốt sẽ giúp khẳng định uy tín, chất lượng của thủy sản Việt Nam.
Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Nguyễn Như Tiệp cho rằng, khắc phục những cảnh báo của EU đối với thủy sản nuôi là rất khó nhưng vẫn phải nỗ lực, nếu không sẽ đánh mất thị trường. Muốn kiểm soát được an toàn thực phẩm thì phải kiểm soát cả quá trình, đòi hỏi đồng bộ từ địa phương, doanh nghiệp đến người dân. Dù EU có những quy định mới gây khó khăn nhưng phải đáp ứng yêu cầu của thị trường. Chẳng hạn, trước đây quy định doanh nghiệp khi đăng ký xuất khẩu sản phẩm sang EU chỉ cần đăng ký tên doanh nghiệp sản xuất và sản phẩm cuối cùng, nhưng nay phải đăng ký cả cơ sở cung ứng, bảo quản, sơ chế.
Cục trưởng Tiệp cũng cho hay, theo Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn (RASFF) của Cơ quan thực thi các chính sách của EU về an toàn sức khỏe và thực phẩm (DG-SANTE), các lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất vào EU bị cảnh báo dư lượng hóa chất, kháng sinh đang tăng ở mức nghiêm trọng. Tỷ lệ mẫu vi phạm trong chương trình giám sát dư lượng vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện. Chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm, không được phép sử dụng vẫn phát hiện trên thủy sản.
Tôm không sạch kháng sinh gây thiệt hại rất lớn
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho biết theo thống kê của ông thì chỉ khoảng 70% sản lượng tôm nước ta đảm bảo sạch kháng sinh, còn 30% không sạch kháng sinh. Tính ra khoảng 300.000 tấn tôm thương phẩm chưa sạch kháng sinh. Thực trạng đó, để kiểm soát kháng sinh, ngành tôm Việt Nam phải bỏ ra 7.000 - 10.000 tỷ đồng; tính trên tổng sản lượng tôm thương phẩm 900.000 tấn thì để sản xuất 1 kg tôm đã “đốt” đi 7.700 - 11.000 đồng.
Nếu tôm thương phẩm đảm bảo sạch kháng sinh thì người nuôi và doanh nghiệp chế biến không mất đi 7.700 - 11.100 đồng/kg. Khi đó, cánh cửa bán tôm ra thị trường thế giới có khả năng mở rộng thêm. “Cái giá như vậy có đáng để chúng ta làm cho tôm Việt Nam 100% sạch kháng sinh không?”, ông Quang nêu câu hỏi.
Dù EU có những quy định mới gây khó khăn nhưng phải đáp ứng yêu cầu của thị trường
Vấn đề thứ hai ông Quang đề cập là tôm nuôi Việt Nam đạt chứng nhận ASC, BAP cùng các chứng nhận hữu cơ, sinh thái theo thống kê của ông, hiện không quá 20%. Trong khi Ecuador đã đạt trên 70%. Tôm đạt chứng nhận ASC, BAP có thể bán giá cao hơn 5 - 10%; và tôm đạt chứng nhận hữu cơ, sinh thái bán giá cao hơn 10 - 20%. Hơn nữa, tôm đạt các chứng nhận mới bán được vào hệ thống siêu thị lớn, hệ thống phân phối lớn, các nhà hàng và khách sạn nổi tiếng. Như vậy, chỉ với 20% đạt các chứng nhận uy tín, tôm Việt Nam đã tự thu hẹp cánh cửa bán ra thị trường thế giới, lại với giá không cao.
Ông Quang kết luận: “Theo tôi, trước hết chúng ta cần thay đổi tư duy, tức là thay vì chạy theo sản lượng thì cần phải chú trọng hiệu quả, đặc biệt là về chất lượng, môi trường, sức khỏe và giá bán để phát triển bền vững”.
Kinh doanh nghiêm chỉnh trở thành bình thường
Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nói về bảo vệ sức khỏe thì không chỉ EU mà cả thế giới quan tâm. Việc làm giả, làm dối, phun thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu hóa học thì ngay cả người dân trong nước cũng từ chối, không sử dụng. Nên các nhà sản xuất phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Thực tế từ khi hội nhập kinh tế thế giới, việc thanh tra, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa đã thường diễn ra. Mỗi lần như vậy, có những khó khăn, áp lực nhưng đồng thời cũng là cơ hội để các doanh nghiệp quan tâm hơn đến chất lượng và an toàn thực phẩm vì người tiêu dùng, vì cộng đồng.
Đoàn thanh tra EU đến lần này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, nếu kết quả việc nuôi trồng thủy sản của Việt Nam không đảm bảo vệ sinh an toàn môi trường, an toàn cho người nuôi trồng cũng như cho xã hội, không đảm bảo sản phẩm theo tiêu chuẩn EU thì họ sẽ kiểm tra rất ngặt nghèo, có thể đặt các hạn mức đối với những mặt hàng không đạt tiêu chuẩn. Rõ ràng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng ngay đến chi phí, đến khối lượng xuất khẩu vào EU. Nên rất cần các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý quan tâm và có trách nhiệm giải trình cũng như thực thi đúng quy trình EU đã đặt ra.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc nâng cao chất lượng hàng hóa, đảm bảo cho đợt thanh tra có kết quả tốt cần coi là công việc bình thường. Và đó là kết quả của hệ thống đảm bảo an toàn thực phẩm, bên cạnh ý thức của người muôi trồng, của doanh nghiệp chế biến còn là sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước và chế tài xử phạt nghiêm minh với những hành vi làm không đúng quy định. Nếu có kết quả tốt thì hoàn toàn yên tâm rằng bất kỳ lúc nào, thị trường nào muốn kiểm tra cũng sẵn sàng đáp ứng.
“Khi chúng ta làm ăn nghiêm chỉnh, đúng quy trình thì không có gì phải ngại, không có gì phải sợ cả. Đấy là điều chúng ta cần đạt được cả trước mắt lẫn tương lai lâu dài”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Nguồn: vasep.com.vn